Capitalism, Socialism & Communism

 


Chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội là 2 khái niệm chúng ta thường gặp khi đề cập đến hệ tư tưởng mà trong đó hệ thống kinh tế có nguyên lý, động lực và cách hoạt động khác nhau. Và cũng giống như bạn thường nghe thấy người khác nói "Bọn tư bản chết giãy" nhưng lại không hiểu nguồn gốc tại sao nó lại như vậy, thì bài viết này là dành cho bạn


--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

1. Chủ nghĩa tư bản

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------


Có vẻ như mọi người đếu nghĩ rằng chủ nghĩa tư bản là một hệ thống hay một thể chế chính trị, kinh tế chủ yếu dựa trên sự sở hữu tư nhân, nhưng chúng ta cũng có thể hiểu theo cách đơn giản hơn rằng đây chỉ là một cụm từ để diễn tả một hiện tượng, hay một hình thức của nền kinh tế xã hội hiện đại, trong đó con người có thể làm việc hay buôn bán để có được tài sản riêng (tài sản tư nhân) và có thể tích trữ tài sản đó. Trong nền kinh tế thị trường tư bản, hệ thống giá cả sẽ được quyết định bởi yếu tố cung - cầu tự nhiên, hoặc do sự cạnh tranh từ phía bên thị trường buôn bán.  


Thực ra, tư bản có nguồn gốc từ khá lâu từ khi con người thời tiền sử bắt đầu có nhận thức về quyền tư hữu tài sản, nhưng chủ nghĩa tư bản xuất hiện đầu tiên ở châu Âu, ngấm ngầm phát triển trong lòng xã hội phong kiến và bùng nổ lan rộng khắp châu lục sau Cách mạng Pháp vào cuối thế kỉ XVIII. 


Adam Smith, được mệnh danh là cha đẻ của kinh tế học và chủ nghĩa tư bản, là người đã góp công lớn trong việc xây dựng hệ thống lý luận khá hoàn thiện về chủ nghĩa tự do kinh tế. Trong cuốn sách "Tìm hiểu về bản chất và nguồn gốc của cải của các quốc gia" (Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations), ông đã đề xuất ra khái niệm "bàn tay vô hình" (Invisible hand), một yếu tố giúp thị trường tư bản tự do có thể vận hành trơn tru. Ông nói rằng trong nền kinh tế tư bản tự do, mỗi cá nhân đều theo đuổi một lợi ích của bản thân và muốn tối ưu hóa lợi nhuận từ mỗi hành động, từ đó chính việc ấy đã thúc đẩy xã hội phát triển, tăng hiệu quả kinh tế và củng cố lợi ích cho cộng đồng (trong đó có chính bản thân họ). 


** Đánh giá về chủ nghĩa tư bản


Về chủ nghĩa tư bản, có 2 thái cực đối lập về hệ tư tưởng này. Các nhà phê bình cho rằng chủ nghĩa tư bản chỉ có lợi cho nhóm nhỏ, những elite và tầng lớp thiểu số ấy sẽ nắm phần lớn quyền lực trong tay. Từ đó họ sẽ có thể dễ dàng thao túng những lợi ích xã hội và kiếm lợi nhuận cho bản thân họ, và đây cũng là nguồn căn nguyên của sự bất bình đẳng về kinh tế xã hội, sự xói mòn tài nguyên thiên nhiên do khai thác quá mức. Đa số những người theo phía phản đối chủ nghĩa tư bản có khuynh hướng công nhận và cố gắng hợp lý hóa những lý luận của chủ nghĩa xã hội.


Tuy nhiên, ở chiều hướng ngược lại, những người ủng hộ chủ nghĩa tư bản có quan điểm rằng nó sẽ làm cho những sản phẩm trong thị trường tốt hơn, đổi mới và sáng tạo hơn thông qua sự cạnh tranh, do đó năng suất của các doanh nghiệp sẽ tăng cao và nền kinh tế cũng sẽ được thịnh vượng hơn. Ngoài ra, chủ nghĩa tư bản còn có thể giúp nền chính trị kinh tế của một đất nước trở nên đa nguyên, phân cực, giúp quyền lực không bị tập trung quá nhiều ở một hoặc một nhóm người lãnh đạo. Lý do vì sao nằm ở chỗ tư bản chủ nghĩa trao quyền cho người dân (kể cả những người thấp cổ bé họng) có tiếng nói trong xã hội. Họ có thể lựa chọn giá cả sẽ mua cho một món hàng, và nó cũng đồng nghĩa với việc họ có thể chọn lựa một đảng chính trị phù hợp với mong muốn của chính họ. Cùng với nó là sự cạnh tranh, thứ mà sẽ loại bỏ hoặc đào thải những món đồ, các công ty, hay thậm chí là cả chính quyền nếu chúng không hoạt động hiệu quả và người tiêu dùng (người dân) cảm thấy không hài lòng sau một thời gian sử dụng.


Theo mình, tư bản chủ nghĩa quả thật là một công cụ tốt để các quốc gia có thể đạt mức tăng trưởng cao, nâng cao mức sống, chất lượng dịch vụ và sản phẩm trong đời sống. Nhưng cũng không thể phủ nhận rằng chính chủ nghĩa này đã làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo, khi mà người giàu tiếp tục giàu và người nghèo cứ vẫn mãi nghèo. Điều đó làm cho mọi người nghĩ chúng ta nên xóa bỏ khoảng cách giàu nghèo, xóa bỏ chủ nghĩa tư bản để thế giới này bình đẳng và tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, mình cho rằng điều đó là khó có thể xảy ra và không được mong muốn bởi ba yếu tố:

  • Thứ nhất, một xã hội không thể không tồn tại khoảng cách giàu nghèo giữa các tầng lớp, vì năng lực của mỗi cá nhân chúng ta khác nhau dẫn đến sư chênh lệch về năng suất lao động cũng như các bước tiến đột phá trong sự nghiệp; từ đó đem lại sự bất bình đẳng trong thu nhập chúng ta. Vấn đề không phải là làm cách nào để xóa bỏ nó, mà là làm cách nào để giảm mức độ trầm trọng của sự bất bình đẳng ở một giới hạn cho phép đủ để không xáo trộn tình hình xã hội.

  • Thứ hai. nếu như xóa bỏ ranh giới giàu nghèo, thì chẳng khác gì con người chúng ta lại quay trở về thời kỳ tiền sử, khi mà mọi người đều bình đẳng và chia nhau những phần thịt bằng nhau sau các cuộc đi săn, khi mà có người vẫn được ăn mặc dù họ không làm điều gì có ích cho công cuộc đi săn thú đó cả. Điều này tưởng chừng vô hại nhưng thực ra lại vô cùng tai hại, vì nó sẽ không tạo một chút động lực gì cho con người làm việc, sản xuất siêng năng hơn người khác (do xét cho cùng thì cuối buổi mọi người vẫn được hưởng phần ăn như nhau). Thế giới của chúng ta đã, đang và sẽ được phát triển trên nền móng cùa những động lực đó, nên việc bẻ cong nguồn sống của mọi thời đại ấy chắc chắn là điều cực kì không được mong đợi ở thời điểm hiện nay và sẽ khiến cả thế giới rơi vào suy thoái

  • Yếu tố thứ 3 (suy nghĩ cá nhân), đó là liệu những người đang tận hưởng túi tiền vô đáy của mình có chấp nhận việc xóa bỏ khoảng cách giàu nghèo hay không (giả sử việc đó là có khả năng). Câu trả lời có lẽ sẽ là không. Có thể nói khoảng cách giàu nghèo có quan hệ liên quan đến quyền lực mà những nhà tài phiệt, những nhóm người ở trên đỉnh xã hội có được. Nhờ có khoảng cách ấy mà họ duy trì được quyền lực và thao túng, điều khiển được mọi người ở tầng lớp dưới. Do đó sẽ không dễ dàng gì khi chúng ta đụng độ với một thế lực có sức mạnh vượt trội ấy, chưa kể việc những thế lực đó không chắc rằng có thể nhận ra bằng mắt thường và thường nằm tiềm tàng trong các bức màn.

Tóm lại, mình nghĩ rằng mặc dù chủ nghĩa tư bản vẫn còn những bất cập cố hữu của nó, song nói như vậy không phải là để mọi người chê bai về nó mà để có nhận thức rằng ta cần cải thiện để hệ thống đó có thể hoạt động bền vững hơn. Và có vẻ như mình hơi đi lan man sang một chủ đề khác nên sau đây mình phép được quay xe sang nội dung thứ 2 của bài viết: chủ nghĩa xã hội.



--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

2. Chủ nghĩa xã hội

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------


Với mong muốn khắc phục những lỗi lầm mà chủ nghĩa tư bản mang lại, chủ nghĩa xã hội nhấn mạnh những giá trị căn bản như bình đẳng, công bằng giữa các tầng lớp xã hội. Ngày nay, trên thế giới vẫn đang còn tồn tại một vài quốc gia theo hệ thống chủ nghĩa xã hội nhà nước như Cuba, Việt Nam, Trung Quốc, ngay cả khi "anh lớn" Liên Xô tan rã vào năm 1991.


Các phong trào xã hội bắt đầu từ những phong trào đấu tranh của giai cấp lao động vào những năm thế kỉ 19. Đối với Karl Marx, người đã có công lớn trong việc xây dựng phong trào xã hội chủ nghĩa hiện đại, cho rằng "chủ nghĩa xã hội là một hệ thống kinh tế - xã hội sau khi một cuộc cách mạng đã nổ ra để chuyển quyền điều khiển các phương tiện sản xuất từ tay của thiểu số các nhà tư bản sang tay xã hội". 


Tuy nhiên, những người chủ nghĩa xã hội lại chia họ ra thành 2 trường phái khác nhau và đôi khi lại trái ngược nhau, cụ thể là chủ nghĩa xã hội dân chủ và chủ nghĩa cộng sản (cụ thể mình sẽ nói ở phần sau). Những người theo chủ nghĩa cộng sản kêu gọi nền kinh tế kế hoạch tập trung và mọi nguồn tư liệu sản xuất và quyền sản xuất đều thuộc về nhà nước; trong khi đó nhóm người theo chủ nghĩa xã hội dân chủ cho rằng nên có giới hạn nhất định giữa nhà nước - thị trường, và chỉ nên quốc hữu hóa một số ngành nghề được cho là quan trọng trong phạm vi mô hình kinh tế hỗn hợp.


** Thái độ của thế giới đối với chủ nghĩa xã hội


Thực chất, đã có giai đoạn con người chúng ta mất niềm tin vào chủ nghĩa tư bản, khi mà mọi người đều đổ lỗi những cuộc khủng hoảng kinh tế họ đang phải đối mặt có nguồn gốc từ chính động lực đã khiến họ trở nên giàu có. Do đó, vào những thập niên năm 1930 (sau cuộc Đại khủng hoảng), và khoảng 30 năm sau Thế chiến thứ 2 kết thúc, các chính phủ (thậm chí ở cả phương Tây) đã lần lượt ngả về khuynh hướng phát triển kinh tế mang tính xã hội chủ nghĩa, thành lập những nền kinh tế chỉ huy ở khắp thế giới trong những năm hậu chiến và "noi gương" theo Liên Xô. (Nếu mọi người tìm hiểu thêm thì nên đọc cuốn "Những đỉnh cao chỉ huy" của Daniel Yergin và Joseph Stanislaw).


Nhưng chủ nghĩa xã hội nhìn có vẻ hào nhoáng và lý tưởng, nhưng cũng vì cái lý tưởng ấy mà ta lại không ngờ được những điểm yếu chết người bên trong hệ thống xã hội này. Các công ty quốc doanh hoạt động không hiệu quả, và nợ nần chồng chất trong một môi trường cạnh tranh bị bóp nghẹt, trong khi chính phủ tiếp tục bơm tiền đầu tư, tăng hạn ngạch chi tiêu công với ngân sách dường như không đáy, nhằm thúc đẩy nền kinh tế nhưng thực tế lại làm gia tăng gánh nặng nợ công của quốc gia và người dân phải còng lưng thêm đóng thuế để trả món nợ đó.  


Chính vì vậy mà từ những năm 80, xuất phát từ thủ tướng vương quốc Anh lúc bấy giờ, Margaret Thatcher đã đề xuất và thực thi các chính sách nhằm tư nhân hóa các doanh nghiệp được chính phủ bảo trợ để hồi phục sự cạnh tranh trong thị trường và giảm vai trò của chính phủ trong sự vận hành của nền kinh tế. Đồng thời ở Mỹ, tổng thống Ronald Reagan cũng đã bắt đầu các biện pháp kinh tế như giảm thuế, giảm chi tiêu ngân sách để kiềm chế lạm phát và thúc đẩy thị trường tự do với ít sự can thiệp của chính phủ. Những quyết định này đã có ảnh hưởng sâu rộng đến các quốc gia trong khu vực lân cận trở về đường lối phát triển kinh tế lấy thị trường làm trung tâm như trước đây. 

** Chủ nghĩa cộng sản


Chủ nghĩa cộng sản - được phát triển bởi triết học gia Karl Marx - là một trường phái của chủ nghĩa xã hội, nhưng tính chất của nó có phần hơi cực đoan xét về khía cạnh của chủ nghĩa tư bản, vì nó muốn hoàn toàn triệt bỏ tận gốc các nhà tư bản. Các đặc điểm của chủ nghĩa cộng sản là không giai cấp, không sở hữu tư nhân, và triết lý "làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu". 


Tuy nhiên, có một câu hỏi được đặt ra, đó là nếu như chúng ta làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu, liệu có tồn tại nguồn động lực nào để chúng ta có thể phát huy hết năng lực bản thân để tăng sản lượng sản phẩm và năng suất làm việc, từ đó phát triển nền kinh tế xã hội, khi mà kết cục thì người làm việc siêng năng cũng chỉ có phần ăn bằng với người lười biếng suốt ngày nằm chơi mà không được thêm bất kì phần thưởng gì. Lịch sử đã trả lời cho chúng ta câu hỏi đó, khi nền kinh tế Việt Nam trì trệ từ năm 1975 đến khi mở cửa tự do thương mại, khi mà chỉ sau Đặng Tiểu Bình mở cửa nền kinh tế với thế giới bên ngoài, Trung Quốc mới có thể phát triển được như ta thấy hiện nay.


Và một mâu thuẫn nữa mà mình cho rằng là trầm trọng nhất trong chủ nghĩa cộng sản, đó là mặc dù trên lý thuyết, xã hội cộng sản là một xã hội không có giai cấp, và mọi người đều có quyền như nhau, nhưng trong đó lại có những người nắm quyền lãnh đạo kiểm soát gần như mọi mặt của đời sống người dân với một đảng duy nhất: đảng cộng sản. Do tính chất chính trị không đa nguyên của chủ nghĩa cộng sản, chắc chắn sẽ xuất hiện những vấn đề liên quan đến tính minh bạch của các quyết định của chính phủ, người dân phải luôn làm theo những gì các nhà lãnh đạo muốn và thậm chí còn bị gây khó khăn khi có ý định chống đối lại chính quyền *bất . Và theo mình, đây là một lỗ hổng lớn nhất trong tư tưởng chủ nghĩa cộng sản và mâu thuẫn này dường như vẫn đang tiếp tục tồn tại cho đến ngày nay.



Kết


Chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa xã hội hay cộng sản đều mang cho mình như lập trường lý luận riêng, nhưng xét cho cùng, mỗi cơ sở lập luận đều có có những khuyết điểm. Chính vì vậy, điều cần thiết là cân nhắc và hài hòa các điểm mạnh của cả hai bên, và chắc chắn điều này không bao giờ là dễ dàng (vì sẽ có những nhóm người có được đặc quyền từ chế độ xã hội hiện hành). Ta thường nghe rằng con người có quyền tự do và bình đẳng, vậy mà oái ăm thay, hai quyền này không thể tồn tại song song được. Chủ nghĩa tư bản đề cao sự tự do, nhưng khi tự do, sẽ có kẻ thắng người thua, người giàu và nghèo; và sự xuất hiện chênh lệch giàu nghèo đó khiến xã hội trở nên ít bình đẳng. Ngược lại, chủ nghĩa xã hội ưu tiên sự bình đẳng, nhưng cũng chính vì sự bình đẳng ấy đã ép buộc người giàu phải phân phối tài sản của mình cho người khác, lấy đi sự tự do với mong muốn tích lũy tài sản của họ. Thế nhưng đây không hẳn là một điều xấu, nó mang lại cho con người chúng ta khả năng suy nghĩ, xem xét và đánh giá lại mô hình phát triển của chính chúng ta khi thế giới có các xu hướng thể chế đa cực.


Bài viết này có thể là khá khô khan và không hợp đối với một vài người không thích bàn chuyện chính trị và suy nghĩ phức tạp, nhưng mình nghĩ nó sẽ giúp người đọc phần nào có thêm sự quan tâm và sự suy ngẫm đến những gì liên quan đến chúng ta hằng ngày, đến những nền tảng mà xã hội loài người dựa vào để phát triển trong khoảng thời gian từ lịch sử cận đại cho đến ngày hôm nay.



Reference:


https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%E1%BB%A7_ngh%C4%A9a_c%E1%BB%99ng_s%E1%BA%A3n


https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%E1%BB%A7_ngh%C4%A9a_x%C3%A3_h%E1%BB%99i


https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%E1%BB%A7_ngh%C4%A9a_t%C6%B0_b%E1%BA%A3n



Comments

Popular posts from this blog

Khủng hoảng tài chính 2007 - 2008

Vietnam article